English
English
Tiếng Việt
ภาษาไทย
繁體中文
한국어
Bahasa Indonesia
Español
Português
zu-ZA
0

Market Analysis

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt hưởng lợi gì trước nhiều biến đổi của thế giới
vietstock · 4.9K Views

 

Tại Vietstock LIVE với chủ đề: "Xuất khẩu khởi sắc - Có tiếng liệu có miếng?", các chuyên gia đã đưa ra nhận định sâu về tác động của các bất ổn chính trị Bangladesh, tình hình sản xuất tại Trung Quốc và xu hướng xanh hóa lên các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam trong thời gian tới.

Bất ổn chính trị Bangladesh chủ yếu tác động trong ngắn hạn

Về bất ổn chính trị tại Bangladesh, ông Trần Nhật Trung - Giám đốc Phân tích tại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, vừa qua Bangladesh gặp biến động chính trị dẫn đến các nhà máy may đóng cửa nên đây là cơ hội của thị trường Việt Nam tăng xuất khẩu vào Mỹ. Ngoài ra, yếu tố hàng tồn kho của Mỹ ở mức thấp sẽ thúc đẩy xuất khẩu tốt hơn trong 6 tháng cuối năm.

Riêng về ngành dệt may, ông Trung nhận định rằng, căng thẳng ở Bangladesh dẫn đến các doanh nghiệp may mặc tại đây đóng cửa trong ngắn hạn, từ đó các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng để tăng trưởng doanh thu trong thời gian ngắn chứ không duy trì được trong lâu dài.

Ông Trung lý giải, Bangladesh vốn dĩ là một quốc gia có nhiều bất ổn chính trị, ví dụ như giai đoạn năm 2013-2014, dẫn đến thiệt hại về con người. Quốc gia này cũng có nhiều lợi thế cạnh tranh các đơn hàng may mặc hơn so với Việt Nam, như lương nhân công thấp, chỉ khoảng 75-100 USD so với khoảng 300 USD của Việt Nam, chưa kể Việt Nam vừa mới tăng lương cơ bản.

Ngoài ra, do đây là ngành trọng yếu của Bangladesh với việc chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu nên rất được Chính phủ hỗ trợ. Họ có chuỗi cung ứng gần như hoàn thiện từ đầu đến cuối, trong khi Việt Nam chỉ tập trung vào phần may, chưa sản xuất được đầu vào, nên nhiều nước vẫn ưa chuộng Bangladesh hơn Việt Nam.

Tình hình sản xuất của Trung Quốc có đáng lo?

Nhận định về tình hình sản xuất của Trung Quốc hiện tại, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi, bên cạnh đó Trung Quốc hiện nay cũng xây dựng khá nhiều kho xung quanh khu vực ở biên giới với Việt Nam với mục tiêu chính là xuất hàng qua Việt Nam. Đó là các mặt hàng giá trị nhỏ nhưng lượng tiêu thụ ở Việt Nam tương đối cao. Một vấn đề nữa là hoạt động logistics của họ vào thị trường Việt Nam tương đối tốt.

“Khi chúng ta từ TP.HCM đặt hàng qua Taobao thì chỉ khoảng 2-3 ngày là có thể nhận hàng, nếu chậm có thể là mất 4-5 ngày. Điều này là tương đương với những doanh nghiệp logistics trong nước, nhưng hàng hóa của Trung Quốc lại có giá rẻ hơn rất nhiều. Do đó, trong thời gian tới nhiều khả năng thị phần của Trung Quốc sẽ tăng lên thông qua chiến lược này”, ông Huân cho biết.

Theo ông Huân, ngành hàng tiêu dùng chắc chắn bị ảnh hưởng xấu nhất, bởi về chi phí, giá cả, mẫu mã thì các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam rất khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Bên cạnh đó, lĩnh vực logistics cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều.

Đánh giá về tác động lên các ngành xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, thủy sản, gỗ, ông Trần Nhật Trung cho rằng đều không sợ bị cạnh tranh bởi Trung Quốc.

Theo Giám đốc Phân tích ACBS, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất là qua Mỹ ở ngành may mặc và gỗ, còn thủy sản thì trong 6 tháng đầu năm xuất sang Trung Quốc tăng tốt.

Nếu nói về cạnh tranh, bản chất doanh nghiệp may mặc không cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc, ngay cả Bangladesh cũng không cạnh tranh trực tiếp.

Việc phân bổ các đơn hàng thường là ở quyết định ở các doanh nghiệp bán lẻ. Các đơn hàng của Bangladesh thường có biên lợi nhuận thấp hơn của Việt Nam, nên ngay cả khi Bangladesh có vấn đề thì chưa chắc Việt Nam hưởng lợi nhiều. Ví như như lúc đó doanh nghiệp Việt Nam đang quen với đơn hàng có biên lợi nhuận 20%, thì khi đơn hàng được chuyển từ Bangladesh chuyển qua thì chưa chắc họ đã nhận.

Còn về thủy sản, chúng ta cũng xuất khẩu sang Trung Quốc, bên cạnh đó mặt hàng xuất khẩu chính là cá tra - mặt hàng mà Việt Nam có chi phí sản xuất rẻ hơn nhiều so với Trung Quốc.

“Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu cạnh tranh về giá và đó là lợi thế. Do những hàng hóa đặc thù như vậy nên cả ba ngành thủy sản, dệt may, gỗ đều không sợ bị cạnh tranh bởi Trung Quốc”, ông Trung nhận định.

Hành động gì trước xu hướng “xanh”?

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, xu hướng xanh hóa là bắt buộc trong thời gian tới, có thể là một số lĩnh vực chưa áp nhãn tín chỉ carbon nhưng thời gian tới về cơ bản sẽ áp hết tất những sản phẩm xuất sang EU và Mỹ.

Hiện nay, Việt Nam cũng đã cam kết chuyển đổi xanh, cam kết năm 2050 phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, sự dịch chuyển và kế hoạch để đạt được mục tiêu đó dường như chưa có rõ ràng.

“Khi tôi làm việc với các đại sứ châu Âu ở Việt Nam cũng như đi thăm các quốc gia châu Âu thì họ cũng nêu lên vấn đề này khá nhiều. Họ cho rằng chúng ta có cam kết nhưng chưa thấy được lộ trình triển khai”, ông Huân chia sẻ.

Một yếu tố nữa để chúng ta đạt được phát thải ròng bằng 0 trong tương lai là chi phí sẽ bị tăng lên, khác với năng lực cạnh tranh của chúng ta từ trước đến nay là giá rẻ.

Dự báo về ngành xuất khẩu nào sẽ “xanh” sớm nhất, ông Trần Nhật Trung cho rằng, dệt may và thủy sản sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Với may mặc thì khâu ô nhiễm nhất là nhuộm. Thực tế, Việt Nam rất chú trọng vào phát triển ESG từ lâu, rất nhiều vùng, nhiều tỉnh đã hạn chế các doanh nghiệp nhuộm.

Câu chuyện ESG vẫn còn rất là dài và hiện nay đa phần doanh nghiệp niêm yết cũng đã chuẩn bị rồi. Với dệt may, ESG cũng không ảnh hưởng quá nhiều trong ngắn hạn (khoảng 3 - 5 năm).

Hai điều cần chú trọng khi đầu tư vào cổ phiếu xuất nhập khẩu

Theo Giám đốc Phân tích ACBS, do chúng ta vẫn chỉ là một số bước trong chuỗi giá trị toàn cầu nên rất là dễ bị ảnh hưởng cả đầu vào lẫn đầu ra, dẫn đến ảnh hưởng kết quả kinh doanh. Dĩ nhiên đầu ra sẽ xem xét được ở các thị trường các nước hiện đang phát triển như thế nào, tình hình kinh tế vĩ mô của thị trường đó như thế nào để có thể ước chừng được lượng cầu. Còn đầu ra thì cũng phụ thuộc vào đầu vào.

Ông Trung đưa ra hai yếu tố quan trọng, thứ nhất là chính sách tiền tệ và thứ hai là tình hình kinh tế của các nước đó. Đây gần như là hai yếu tố vĩ mô ảnh hưởng chính đến cung cầu cũng như sức khỏe của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Need Help?
Click Here