Market Analysis
Nhóm cổ phiếu chứng khoán đang là một trong nhiều nhóm ngành có vận động giá cổ phiếu đi ngược với kết quả kinh doanh tích cực. Với không ít nhà đầu tư, việc các cổ phiếu chứng khoán có thể thoát ra khỏi nghịch cảnh còn được xem là tín hiệu tham khảo cho việc thị trường tạo đáy.
Thị trường chưa điều chỉnh, nhiều cổ phiếu đã rơi vào thị trường gấu (Bear Market)
Thống kê toàn bộ nhóm cổ phiếu chứng khoán sau phiên giao dịch 6/8, chỉ còn đúng 2 cổ phiếu có được xu hướng tăng ngắn hạn trên 3 sàn chứng khoán là BSI và FTS (HM:FTS) trong khi toàn bộ các cổ phiếu còn lại đều vẫn còn ở dưới đường MA20.
Thực tế, đây chỉ là sự chuyển biến mới của nhóm này trong phiên 6/8 khi VN-Index có được sự hồi phục hơn 20 điểm để lấy lại mốc 1,200 điểm. Trước đó, tâm lý bi quan bao trùm và có thời điểm tất cả các cổ phiếu Chứng khoán đã cùng mất xu hướng ngắn hạn.
Cũng cần lưu ý rằng, BSI và FTS là những cổ phiếu đã phá kỷ lục thời đại trong năm 2024 bên cạnh MBS (HN:MBS) và CTS. Tuy nhiên, chỉ sau một đợt biến động bất ổn của thị trường chung, cả 4 cổ phiếu đều đã rơi vào trạng thái của điều chỉnh khi giảm trên 10% thậm chí có mã đã rơi vào trạng thái thị trường gấu (Bear Market) - giảm trên 20%. Cụ thể, mức giảm từ đỉnh của năm (Drawdown) của 4 mã là: FTS (-19%), MBS (-15%), CTS (-21%), BSI (-24%).
Trong khi đó, nhìn rộng ra toàn nhóm cổ phiếu chứng khoán, nhiều công ty hàng đầu cũng đã được phân loại vào nhóm Bear Market như VIX (HM:VIX) (-35%), VND (HM:VND) (-32%), SHS (HN:SHS) (-32%), VCI (HM:VCI) (-22%), SSI (HM:SSI) (-22%).
Điều này cho thấy nhóm cổ phiếu chứng khoán đã vận động tiêu cực, vượt ra ngoài biên độ của thị trường chung bởi thực tế, VN-Index vẫn chưa hề ghi nhận sự điều chỉnh. Drawdown của chỉ số chung vẫn chưa vượt qua khỏi biên độ 10% từ đỉnh.
Nhà đầu tư rất khó có thể giải thích cho sự bi quan của nhóm cổ phiếu Chứng khoán bằng câu chuyện nội tại của các doanh nghiệp. Trong mùa BCTC quý 2/2024, mặc dù một số doanh nghiệp như VND, VIX ghi nhận lợi nhuận suy yếu nhưng nhìn chung kết quả chung của nhóm ngành vẫn đang đi theo hướng tích cực.
Số liệu tổng hợp từ 30 công ty chứng khoán (CTCK) cho thấy doanh thu hoạt động tăng trưởng 13% so với quý 1/2024, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 2%, đạt hơn 5,600 tỷ đồng.
Nếu tính chung trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đã tăng trưởng tới 68% so với cùng kỳ, đạt hơn 11,000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cần nhắc lại về hoạt động cho vay của ngành chứng khoán nói chung vẫn cho thấy sự quyết liệt trong việc thu hút nhà đầu tư. Với quy mô cho vay tiếp tục phá kỷ lục, một số CTCK như TCBS, SSI đã vượt qua mức dư nợ cho vay hơn 20,000 tỷ đồng.
Trong khi đó, HSC sau đợt tăng vốn đầu năm cũng đã mở rộng thêm 30% trong quý vừa qua lên trên 18,500 tỷ đồng. Được biết, ban lãnh đạo của HSC cũng hướng đến mục tiêu cho vay 20,000 tỷ đồng trong năm 2024.
Điều này đang cho thấy, những vận động giá vừa qua của các cổ phiếu đang đi ngược lại với kết quả kinh doanh cũng như mong muốn của chính doanh nghiệp. Câu chuyện tương tự này cũng diễn ra với nhiều nhóm ngành hoặc cổ phiếu trên thị trường chung sau mua BCTC quý 2/2024.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thuý - Chuyên gia phân tích KB Việt Nam (KBSV), VN-Index bước vào nhịp giảm mạnh và phân hóa mạnh sau khi kết thúc mùa báo cáo tài chính quý 2/2024. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt vẫn bị bán mạnh, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng rất nhiều sau các thông tin tiêu cực đang tác động đến thị trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam lại cho biết thị trường sẽ khó có thể tạo đáy nếu không có sự tham gia của nhóm ngành chứng khoán.
“Bên cạnh ngân hàng, nhóm chứng khoán vẫn sẽ là nhóm sẽ cần phải chú ý tới nhờ kết quả kinh doanh tích cực cùng những câu chuyện truyền thống sẽ được xoáy lại như nâng hạng thị trường, triển khai KRX hay mới nhất là Pre-funding. Sau nhịp giảm sâu vừa qua, định giá P/B chung của nhóm chứng khoán đã trở nên hấp dẫn để đầu tư khi về quanh mức 1.5 lần”, ông Minh cho biết thêm.